Sản xuất chế phẩm sinh học từ hoa xuyến chi

13/11/2020 | 09:16:37

Kinhtedothi - Với mong muốn cải thiện chất lượng nông sản, chị Phạm Thị Lý - Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ xã Tiên Dương (huyện Đông Anh) đã dày công nghiên cứu, sản xuất thành công chế phẩm sinh học từ cây hoa xuyến chi có tên gọi Bio EM.

                                                      Chị Phạm Thị Lý với chế phẩm sinh học Bio EM được sản xuất từ nguyên liệu chính là hoa xuyến chi.

Vụ Xuân 2018, gia đình chị Nguyễn Thị Thơ (thôn Tiên Kha, xã Tiên Dương) canh tác hai sào rau màu theo phương thức hữu cơ. Quá trình sản xuất, chị Thơ không dùng thuốc bảo vệ thực vật, mà chỉ sử dụng chế phẩm sinh học Bio EM do HTX Nông nghiệp hữu cơ xã Tiên Dương hỗ trợ. Kết quả thu hoạch khiến chị hết sức bất ngờ. Trong khi dưa lê trồng theo phương thức truyền thống được bán với giá trung bình chỉ khoảng 10.000 đồng/kg, thì sản phẩm của gia đình chị được thu mua với giá lên tới 20.000 đồng/kg. Thậm chí, lượng dưa hiện không đủ để cung ứng.
Không chỉ gia đình chị Thơ, khoảng 50 hộ gia đình (hầu hết là thành viên HTX Nông nghiệp hữu cơ xã Tiên Dương) canh tác rau củ quả theo phương pháp hữu cơ có sử dụng chế phẩm sinh học Bio EM cũng đang được hưởng lợi, nhờ vào giá trị sản xuất trung bình tăng khoảng 10 - 20%/ha. Nhưng điều khiến nhiều xã viên và bà con nông dân đang thử nghiệm chế phẩm Bio EM vào sản xuất cảm thấy tin tưởng, đó là việc chất lượng sản phẩm được kiểm soát chặt chẽ.

 

Hiện tại, chế phẩm sinh học Bio EM đang được sử dụng phổ biến trên diện tích đồng ruộng thuộc HTX Nông nghiệp hữu cơ xã Tiên Dương và một số tỉnh lân cận. Chất lượng thực sự của Bio EM sẽ vẫn cần thêm thời gian để khẳng định. Tuy nhiên, việc một chế phẩm sinh học được nghiên cứu, sản xuất bởi một hợp tác xã quy mô trung bình là điều rất đáng khích lệ, nhất là khi sản xuất hữu cơ đang dần trở thành xu thế của nền nông nghiệp hiện đại.

 

Trước đó vào năm 2016, với sự tư vấn, giúp đỡ của GS.TS Vũ Hoan - Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Hà Nội, chị Phạm Thị Lý cùng các thành viên HTX Nông nghiệp hữu cơ xã Tiên Dương đã bắt tay vào nghiên cứu, phối trộn, ngâm ủ từ các loại thảo mộc để tạo nên Bio EM. Điều đặc biệt, nguyên liệu chính được sử dụng để tạo nên chế phẩm này là một loại thực vật rất phổ biến và mọc hoang dại tại nhiều địa phương khu vực phía Bắc, đó là cây hoa xuyến chi. Nhờ có nguồn gốc tự nhiên nên Bio EM rất thân thiện với môi trường, và hoàn toàn không gây độc hại, thậm chí còn giúp cải tạo chất lượng đất canh tác.

 

Nhận thấy tiềm năng rất lớn của sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang phát triển, chị Lý cùng các thành viên HTX đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng khu nhà xưởng rộng hàng nghìn mét vuông để sản xuất, đóng gói, gắn nhãn mác, bao bì cho sản phẩm. Hiện, chế phẩm Bio EM đã bước đầu được cung ứng ra thị trường, góp phần đa dạng hóa vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Chị Lý cho biết thêm, đơn vị vẫn đang tích cực nghiên cứu nhằm cải tiến, nâng cao hơn nữa tính ưu việt của Bio EM cũng như bảo đảm giá thành sản phẩm phù hợp với mức đầu tư, qua đó mang lại giá trị kinh tế cao hơn cho người nông dân.

Tác giả: Phương Mai- Nguồn Báo điện tử Kinh tế & Đô thị

Các tin khác

Hệ thống thông tin sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc hàng hóa đã được cấp Bằng độc quyền sáng chế số: 16036 theo quyết định số: 61711/QĐ-SHTT của Cục sở hữu trí tuệ, ngày 30.09.2016.

Thực hiện nhiệm vụ “Bảo vệ thương hiệu hàng hóa Việt Nam” thường niên trên quy mô toàn quốc. Theo kế hoạch số 99 / KH - MTTW - BCĐTWCVĐ của Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Thực hiện kế hoạch số 02/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội về việc duy trì, phát triển hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc nông sản trên địa bàn thành phố Hà Nội

Bản quyền thuộc về Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển (IDE) - Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Điện thoại: +84.435406169 - Hotline: 01695719999

Email: info@hn.check.net.vn

Vận hành bởi Công ty cổ phần khoa học công nghệ Bảo Tín